top of page
Ảnh của tác giảCoach Vincent

Xây dựng Hồ sơ thể chất - Cốt lõi của huấn luyện Fitness

Cốt lõi của huấn luyện là gì ? Dịch vụ huấn luyện chuyên nghiệp trả phí khác với việc tự học và tìm hiểu kiến thức như thế nào ? Tại sao các hệ thống kiến thức dành cho PT/Coach như Fitness Base lại cần đến các giáo trình đồ sộ chứ không phải các guideline ngắn gọn áp dụng cho tất cả mọi người ? Tại sao hàng nghìn các concept giảm cân, các chương trình huấn luyện có tên nghe rất kêu được tạo ra mỗi năm với chi phí marketing và đội ngũ PR hùng hậu nhưng vẫn không đủ khiến cho tất cả mọi người thực sự khỏe đẹp dài hạn ?


Bạn có thể tạo ra một bộ khung tốt như Vertical Diet của Stan Efferding, được thiết kế ra để giúp các vận động viên tham gia vào các hoạt động cường độ cao tiêu thụ một lượng lớn calo mà họ cần để tăng cân, tăng khối lượng cơ và sức mạnh cũng như tối đa hóa quá trình tập luyện nhưng vẫn hạn chế tăng mỡ, giữ độ lean khi kết hợp ăn high protein và IF. Nhưng nếu bất cứ ai đến với nhu cầu có hình thể đẹp chung chung đều được mời gọi tham gia vào một loại hình huấn luyện nào đó, chính là đã đi ngược lại hoàn toàn nguyên lý của huấn luyện: Không có một chương trình Universal Plan áp dụng cho tất cả mọi người.


Tất cả đều nằm ở việc xây dựng một hồ sơ thể chất đầy đủ nhất có thể để từ đó đánh giá độ phù hợp với một chương trình huấn luyện rồi điều chỉnh dần thông qua việc thực hành và báo cáo kết quả dựa trên nó. Việc huấn luyện tốt hay không tốt, trình độ PT/Coach sâu hay nông, thực hành chuẩn hay không, tất cả nằm ở việc hiểu rõ dòng này.


Hồ sơ thể chất hiển nhiên cần thể hiện được những yếu tố làm nên tình trạng sức khỏe, bao gồm thể chất và tinh thần hiện tại của một người. Cụ thể ở đây là hồ sơ về tập luyện - dinh dưỡng - nghỉ ngơi - lifestyle. Cũng cần nói rõ rằng Mẫu hồ sơ thể chất này được tác giả xây dựng lên "đầy đủ nhất" với kiến thức và kinh nghiệm huấn luyện của bản thân, hấp thụ "tinh hoa" từ các hệ thống như ISSA, NASM và hệ thống Total Fitness riêng biệt... chứ không phải một mẫu toàn diện hoàn hảo bắt buộc áp dụng.


Tuy nhiên, nếu một hồ sơ thể chất thiếu đi những yếu tố như mẫu này, có thể kết quả đánh giá sẽ kém phần chính xác dẫn đến kết quả cuối cùng không như mong đợi. Bạn có thể tham khảo để tùy biến thêm bớt các yếu tố theo nhu cầu dựa trên sự hiểu rõ, cách tiếp cận để vận dụng của riêng mình.


Tại sao cần xây dựng hồ sơ thể chất trong huấn luyện ?


Vì bắt buộc.


Các bước cơ bản trong việc thực hiện một dịch vụ huấn luyện có thể được làm tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn nhưng không thể nào lược bớt. Cũng giống trong ngành Y tế, bạn nghi ngờ mình gặp vấn đề, bạn đi khám bệnh, bác sĩ thông qua bảng kết quả xét nghiệm sẽ đưa ra đánh giá chẩn đoán vấn đề của bạn để có một phác đồ điều trị với dự tính thời gian cụ thể.


Tựu chung huấn luyện cần những bước sau:

- Dựa trên những thông tin cần thiết trao đổi với khách hàng để xác định những vấn đề cần giải quyết giúp đạt được một mục tiêu thể chất phù hợp.

- Đưa ra phương pháp khả dĩ nhất nhằm hướng dẫn khách hàng thực hành

- Thông qua các kết quả cập nhật từ việc thực hành để đưa ra các điều chỉnh cần thiết nhằm đạt được kết quả tối ưu nhất cho từng cá nhân.


Trong thực tế đòi hỏi của một dịch vụ huấn luyện viên cá nhân, một khách hàng sẽ phải cung cấp đầy đủ thông tin, có thể lên tới hàng trăm câu hỏi đủ mọi khía cạnh thể chất, tinh thần. Một thói quen xấu đến từ việc nền Fitness tại Việt Nam chưa phát triển bạn có thể thường thấy là: huấn luyện chỉ dựa vào kết quả từ tờ kiểm tra Inbody. Chưa nói đến việc kết quả đo từ Inbody ẩn chứa nhiều sai số, bản thân hệ thống sinh lý của một người đang sống không thể thể hiện đầy đủ chỉ qua một nhóm chỉ số theo một nhóm công thức nào đó tại một thời điểm nhất định.Và bạn cũng đừng quên, trước khi có máy Inbody, nghề PT đã có từ cả trăm năm trước.



Huấn luyện cũng như các công việc đào tạo khác, cần dựa trên một cái khung công việc chung để làm việc. Chắc chắn không thể dựa trên ý muốn chủ quan kèm theo mô tả sơ sài của một người để có thể vẽ ra một chương trình huấn luyện trừ trường hợp "lùa gà" với các chương trình kiểu V-Shred chỉ khái quát hóa trong 2 từ: tăng cân hoặc giảm cân.


Và có một điều rất đặc biệt nữa, trong nhiều trường hợp, thực tế chỉ cần những thay đổi nhỏ từ những thông tin trong hồ sơ thể chất đã tạo ra hiệu quả đáng kinh ngạc mà không cần đến bất cứ chương trình huấn luyện phức tạp nào. Do vậy việc xây dựng hồ sơ thể chất cũng giúp các bạn đỡ bị "hù dọa" rằng mình đang gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào đó. Nếu bạn thực sự đang mắc bệnh, nó sẽ thể hiện ra rõ ràng trong hồ sơ thể chất.


Cá nhân hóa thực sự !

Một câu hỏi tác giả thường gặp nhất: Giáo án của anh có "cá nhân hóa" không ? Và tôi thường hỏi lại thay vì trả lời rằng: "Cá nhân hóa" cụ thể như thế nào ?. Cùng một bài bench press, hai người khác nhau sẽ đẩy khác nhau do đâu ? Cùng một routine tập luyện, giống như một môn võ, mỗi người lại có những thích ứng và hiệu quả khác nhau tại sao ? Có nhất thiết phải nghĩ ra các bài tập "làm xiếc" hay cách sắp xếp bài tập rối tinh rối mù với từng người khác nhau để gắn cái mác "cá nhân hóa" mơ hồ vào hay không. Chưa kể sự khác nhau giữa các chương trình có concept riêng biệt với các lịch tập sơ sài đi kèm với những tips ăn uống, meal plan góp nhặt trên google. Với thời đại ngày nay bạn thật sự có thể tìm kiếm đầy đủ "workout plan", "meal plan", "supplement protocol" miễn phí.


Cá nhân hóa thật sự cần dựa trên hồ sơ thể chất với đầy đủ các khía cạnh tạo nên một tình trạng thể chất tổng thể hiện tại, bao gồm cả tình trạng hôn nhân, công việc và cả lịch sử chấn thương....Việc nêu ra những mô tả cơ bản như "Tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, %bodyfat đo từ inbody, mới tập 3 tháng, mục tiêu tăng cơ giảm mỡ" và sau đó PT/Coach quăng ngay cho các bạn một giáo án nào đó KHÔNG PHẢI CÁ NHÂN HÓA. Trừ khi bạn thật sự tin rằng trong 8 tỷ người chỉ có duy nhất mình bạn là "Nam, 22 tuổi, cao 1m70, cân nặng 76kg, 20%bdf, mới tập 3 tháng và có mục tiêu tăng cơ giảm mỡ" ? Chưa nói đến việc các con số có thể lên xuống thay đổi với một biên độ lớn hơn bạn nghĩ, như biến đổi cân nặng trong ngày có thể lên tới 2% chẳng hạn (xem thêm video bên dưới), những thông tin trên quá sơ sài để có thể gắn cái mác "cá nhân hóa".


Với những người mới tập, dựa vào sức thích nghi mạnh mẽ của người mới thêm vào hiệu ứng giả dược tinh thần, bạn vẫn có thể đạt một kết quả tốt. Nhưng việc bỏ tiền ra để người khác lợi dụng điều này và bán cho bạn những lịch tập sơ sài đi kèm vài tips dinh dưỡng có thể tìm thấy trên google với cái mác "cá nhân hóa", kết quả của bạn chắc chắn không tương xứng với chi phí bỏ ra và chắc chắn không tối ưu. Một khái niệm thường được đi kèm với "cá nhân hóa".


Tối ưu thật sự !

Giống như khái niệm "cá nhân hóa", khái niệm "tối ưu" đang bị lạm dụng và được quăng ra bừa bãi trên online. 05 bài tập "tối ưu" cho cơ bắp tay khônng thể nào tối ưu vì chắc chắn các nhóm cơ khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, toàn thân bị ảnh hưởng và mọi thứ khác sẽ bị ảnh hưởng can thiệp lẫn nhau. Thêm vào đó mỗi cá nhân khác nhau sẽ thích ứng khác nhau cùng một bài tập chứ chưa nói đến một lịch tập với rất nhiều biến số.


Và dù có những cách tập luyện tối ưu áp dụng cho tất cả mọi người cũng vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi dinh dưỡng, nghỉ ngơi và một thứ quan trọng khác, lifestyle. Sau một ngày tập squat nặng nề, một nhân viên văn phòng nên nằm nghỉ hay tiếp tục lết đi làm để phát triển cơ bắp "tối ưu" nhất ? Hay stackings TPBS vô tội vạ với lời mớm "vậy nó mới tối ưu" dựa trên cơ sở nào ? Giống như slogan của Fitness Base, mọi thứ cao đều cần một cái nền vững chắc, khi chưa xác định được cái nền như thế nào, bạn nên bỏ qua hai chữ tối ưu. Và khi đã xác định được rồi, bạn sẽ thấy rằng, trong đa phần trường hợp, bản thân cái nền đó cũng cần phải tối ưu rất nhiều thứ.


Cách tối ưu hóa thật sự cần dựa trên hồ sơ thể chất đầy đủ nhất có thể để đưa ra một khung chương trình bao gồm nhiều hướng dẫn và thông qua việc thực hành của một cá nhân để điều chỉnh theo từng tháng, từng tuần thậm chí từng ngày. Hiển nhiên TDEE, cân nặng hay thậm chí sự sung sức có thể thay đổi với biên độ thậm chí lên tới từng ngày và có hàng nghìn chỉ số, thông tin để thu thập về tình trạng thể chất của một cá nhân và những yếu tố ảnh hưởng, tạo nên tình trạng này.


Và tất nhiên, có những đối tượng chẳng cần bất cứ chương trình gì phức tạp mà chỉ cần những thay đổi nhỏ trong cuộc sống theo kiểu "cứ chịu khó tập và ăn đầy đủ" vẫn sẽ có kết quả tốt. Nếu các bạn còn trẻ, kinh nghiệm tập dưới 3 năm, sức khỏe tốt, có điều kiện để chuyên tâm ăn tập, các bạn có thể tập theo Chris Heria, Jay Cutler hay bất cứ idol đều sẽ có kết quả tốt.


Nhưng kết quả này tốt như thế nào hoàn toàn do cơ thể bạn thích nghi chứ không do phép màu đến từ những idol online. Kể cả chuyện cứ tập đúng, tập đều đặn các nhóm cơ 2 lần một tuần và ăn chế độ high protein để "tăng cơ giảm mỡ" cũng vậy. Bạn có thể làm điều đó chỉ bằng việc Google các lịch tập cơ bản và ăn uống lành mạnh ở mức TDEE hoặc thâm hụt calories nhẹ (200-300kcal), với lượng protein cao, 2-3g/1kg trọng lượng cơ thể, hạn chế các thứ có hại như thức ăn nhanh, đường tinh luyện, giữ lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, bạn sẽ CÓ THỂ tăng cơ giảm mỡ. Nhưng chữ "có thể" này nhiều khi phải trả giá bằng hàng đống thực phầm bổ sung mua kèm và một chi phí đắt đỏ cho những tips tập luyện, dinh dưỡng nhỏ lẻ được quăng ra để làm "phông bạt" che đi sự thật đơn giản: bạn vốn phù hợp để có thể tăng cơ giảm mỡ rất đơn giản.


Nhưng kết quả có thật sự tối ưu hay không ? Có nguy cơ tiềm ẩn nào bạn chưa biết tới ? Hay người ta đang kiếm tiền dựa trên sự mù mờ và hiệu ứng niềm tin của các bạn ? Tất cả sẽ được giải quyết qua việc đánh giá mục tiêu dựa trên hồ sơ thể chất.


Training Economy, tính kinh tế trong huấn luyện rất quan trọng. Nếu bạn có thể tập với thời gian ít hơn, ít tốn kém tiền cho thực phẩm bổ sung hơn, và nắm rõ kiến thức để duy trì và nâng cấp lên những mục tiêu cao hơn, chắc chắn hiệu quả mới được coi là tối ưu thực sự.


(*Phần này sẽ được trình bày sâu hơn trong các bài chuyên sâu về thay đổi hình thể)


Đảm bảo an toàn !

Giảm 10kg một tháng được không ? Có thể. Nhưng giảm 10kg một tháng có an toàn không ? Không. Tất cả các tổ chức y tế lớn trên thế giới tại sao cần đưa ra khuyến nghị về số kg nên giảm. Vì để đảm bảo an toàn cho mọi người. Hãy nhớ rằng trào lưu tự thực hành giảm cân theo những lời khuyên trên mạng rất phổ biến. Và nhiệm vụ của các tổ thức y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cần phải đưa ra những cảnh báo.


Nếu nói về giảm cân nặng nhanh nhất, hãy tham khảo các thí sinh của cuộc thi The Biggest Loser, series truyền hình thực tế về giảm cân luôn bị chỉ trích, được đánh giá "tàn bạo" khi làm tất cả để giảm cân nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất. Các thí sinh được đưa vào trong môi trường "chạy đua", được giám sát hành xác tập luyện cật lực, nhịn ăn cật lực và theo đồn đoán từ giới phê bình, áp dụng cả những phương thức trái luật. Nhờ vậy họ giảm được từ 20-40kg trong một thời gian vài tháng. Nhưng sau giai đoạn "sụt cân" đó thì sao, họ tăng cân trở lại nhanh hơn, phải sống bằng thuốc và theo dõi y tế với một hệ trao đổi chất bị hư hại và gặp các vấn đề sức khỏe do giảm cân quá nhanh.


Với thời đại ngày nay, việc khiến bạn sụt cân nhanh để nhận tiền rất dễ với các huấn luyện viên chịu khó tìm đọc trên Google. Các loại thuốc lợi tiểu, ngăn chặn hấp thụ dinh dưỡng, tăng kích thích thần kinh, tăng trao đổi chất, thậm chí các chất cấm để làm chuyện đều có thể tìm kiếm được trên mạng. Nhưng hãy nhớ rằng, không dễ để có sự giảm sát từ bác sĩ với các nguy cơ sức khỏe khi sụt cân. Và trong nhiều trường hợp, các huấn luyện viên "sụt cân" cũng không nhận thức được. Còn ở cấp độ đơn giản, các chương trình giảm cân chuẩn lừa đảo làm mọi cách để bạn hấp thụ ít calories nhất và tiêu hao nhiêu nhất có thể trong giới hạn chịu đựng của bạn.


Cân nặng chỉ là một chỉ số trong hàng trăm đánh giá chỉ số về sức khỏe và kể cả ngoại hình. Một người khỏe mạnh không vì anh ta có số cân nặng cụ thể bao nhiêu mà vì anh ta được đánh giá qua rất nhiều chỉ số và kể cả kiểm tra khả năng hoạt động thể chất. Và những gì tạo thành 1kg cân nặng mất đi nếu tính cụ thể ra sẽ không đơn giản như bạn nghĩ. Nên chỉ có các chương trình "giảm cân chuẩn lừa đảo" mới đưa ra các hứa hẹn về số cân nặng giảm trong một tháng.


Không chỉ có giảm cân, luôn có rất nhiều tiềm ẩn, thậm chí rủi ro sinh mạng, với các chương trình ăn kiêng theo mốt (Fad Diet) và tập luyện cũng vậy nếu không phát hiện ra các dấu hiệu bệnh lý cần thiết. Cẩn trọng cũng chưa bao giờ thừa thãi cả.


Và như ở các phần trên đã đề cập, nếu bạn hiểu rõ về hồ sơ thể chất của mình từ đó nắm rõ được điều gì đang tạo nên tình trạng hiện tại của mình, chỉ cần những thay đổi để đạt được những mục tiêu mang tính hành động, bạn đã có thể có được kết quả rất tốt rồi. Với thời đại online, bạn liệt kê ra các vấn đề cần thiết và tìm kiếm giải pháp trên online, chắc chắn sẽ có kết quả.


PT/Coach sinh ra không phải những vị thánh để kiếm tiền dựa trên niềm tin do mù mờ không hiểu rõ của mọi người mà dựa trên việc cung cấp dịch vụ huấn luyện, trợ giúp và hướng dẫn để tiết kiệm thời gian, công sức và tạo động lực hơn cho mọi người thực hành. PT/Coach không tập thay bạn, sống thay bạn ngoài phòng tập được.


Điều gì hình thành nên tình trạng thể chất hiện tại ?

Những yếu tố sau hình thành nên thể chất của bạn: Tỷ lệ cấu trúc cơ thể (Body composition), độ linh hoạt (flexibility), (sức mạnh cơ bắp)muscular strength, sức bền cơ bắp (muscular endurance), sức bền hệ tim phổi (cardiorespiratory endurance (aerobic fitness)). Việc kiểm tra những yếu tố này qua đo đạc tỷ lệ mỡ cơ, BMI, và các bài tập kiểm tra cơ bắp, sức bền, giúp bạn tìm ra một bức tranh chung cho cái gọi sức khỏe của khách hàng. Cũng lưu ý rằng, sức khỏe ở đây mang nghĩa nền tảng thể chất, fitness level, hiện tại khác với sự khỏe mạnh (health), mang ý nghĩa không bị bệnh. Do vậy, một người có thể hoàn toàn khỏe mạnh không bị bệnh gì nhưng vẫn cần đến huấn luyện để nâng cao thể chất.


Ở vai trò khách hàng, việc đánh giá này cũng tránh cho bạn bị những vị huấn luyện viên "dọa sợ" qua tờ Inbody rằng bạn đang thừa mỡ, đang cần tăng cơ bắp lên một con số tiêu chuẩn nào đấy nếu không sẽ không tốt. Một người không bị bệnh nhưng vẫn cần tập luyện sức khỏe vì lợi ích của rèn luyện không chỉ cải thiện mà còn nâng cấp phiên bản "hiện tại" và phòng ngừa các nguy cơ suy mòn trong tương lai do lão hóa, áp lực cuộc sống, lối sống...Và tập luyện giúp trí lực và sức lực được nâng cấp khiến bạn lao động và làm việc tốt hơn, từ đó thành công hơn, tận hưởng cuộc sống tốt hơn.


Tuy nhiên cần phải luôn lưu ý rằng, những yếu tố physical fitness kể trên cần phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố tinh thần, lối sống, mang tính động hơn một tờ giấy ghi chép tĩnh. Các yếu tố sẽ luôn can thiệp lẫn nhau trong một tổng thể hình thành nên kết quả mong muốn của bạn dù với vai trò khách hàng hay huấn luyện viên đều cần cân nhắc nhiều yếu tố.


Và đừng quên rằng, việc áp đặt mục tiêu, áp đặt sở thích của mình vào khách hàng, bắt họ làm điều không muốn với giáo án mang đầy tính áp đặt của mình sẽ khiến không chỉ kết quả mà mối hợp tác giữa hai bên gặp nhiều vấn đề.


Hồ sơ thể chất không chỉ quan tâm đến tình trạng thể chất hiện tại mà còn cần để ý đến những thứ tạo ra tình trạng này hoặc có thể ảnh hưởng đến tình trạng này cũng như việc điều chỉnh nó, ở cả hai hướng hỗ trợ và cản trở.


Một anh chàng sinh viên khỏe mạnh, vô lo vô nghĩ, có thể toàn tâm ăn-tập-ngủ để "tăng cơ giảm mỡ" thành công nhưng một người 25,26 tuổi bắt đầu phải lo "cơm áo gạo tiền" lại không thể dù có kiến thức tốt hơn, kinh nghiệm tập luyện tốt hơn, thậm chí nhiều tiền hơn cho TPBS là vì vậy. Hãy xem các bình luận ở video dưới đây để hiểu thêm.



Tất nhiên một số người có thể vẫn huấn luyện dựa trên những thông tin thể chất cơ bản nhưng điều này không có nghĩa đầy đủ và tối ưu như người ta thường quảng bá. Ngay cả dựa trên một hồ sơ thể chất "đầy đủ nhất" với hàng trăm câu hỏi vẫn không thể thật sự đầy đủ hoàn toàn để lường hết các biến số phức tạp của thể chất con người và những điều ảnh hưởng tới nó.


Vậy nếu không có một hồ sơ thể chất "đầy đủ nhất có thể", dựa trên điều gì để đánh giá kết quả là tối ưu, là tốt nhất ? Hay chỉ là kết quả may mắn dựa trên sự thích nghi siêu tốt từ một nhóm cá thể vốn phù hợp ?


Mục tiêu có phù hợp ?


Một vấn đề phổ biến trong huấn luyện, có thể được coi là trở ngại ban đầu với các huấn luyện viên chuyên nghiệp là giải thích cho khách hàng về mục tiêu phi thực tế của họ. Bản thân khách hàng không muốn nghe những điều "không thể" và nghiệp vụ của PT cũng không hướng tới việc làm khách hàng cảm thấy "tiêu cực" hay mất động lực ngay từ ban đầu.


Nhưng có thực tế rất nhiều PT mới vào nghề hoặc do bị ép chạy đua doanh số hoặc do thiếu kiến thức, không nhận biết được các mục tiêu phi thực tế và "cứ chốt sale trước còn lại tính sau". Thêm vào đó, có rất nhiều bên bán hàng thường bỏ qua vấn đề mục tiêu có phù hợp hay không và khái quát hóa tất cả các loại mục tiêu của mọi người vào hai từ đơn giản như: giảm cân, tăng cân. Việc quy nạp tất cả mọi người vào ba dạng "Tạng người Somatotypes" chính nhằm đến việc này.


Cũng phải nhắc lại, somatotypes không có ý nghĩa gì trong huấn luyện fitness và chính việc xây dựng hồ sơ thể chất sẽ giúp bạn bác bỏ quan niệm gây hiểu lầm này.

Cũng như mục tiêu tăng cân đa phần muốn tăng nhiều số lượng cơ bắp, mục tiêu giảm cân không phải chỉ để "giảm cân". Số cân nặng giảm được trong một thời gian nhất định, với hầu hết các trường hợp thông thường, chỉ là một kết quả của việc thích ứng cơ thể để trở lên khỏe mạnh hơn chứ không phải "sụt cân" hay cutting để đi thi đấu thể hình.


Mục tiêu hình thể mong muốn cần cụ thể hơn số kg cân nặng nhưng đồng thời cũng cần tránh các mục tiêu vô lý, tham lam. Một hiện tượng phổ biến là nhiều người mong muốn nhiều mục tiêu trong một chương trình ngắn hạn như: tăng cơ, giảm mỡ, tăng sức mạnh, tăng sức bền trong khi đó kinh nghiệm tập luyện chưa có, kiến thức chưa có và thể chất yếu. Để hạn chế hiệu ứng can thiệp, việc tập trung vào một mục tiêu bao giờ cũng có hiệu quả tốt nhất trong một giai đoạn, một phân kỳ. Tất nhiên có những mục tiêu có thể đi kèm với nhau và ít can thiệp hơn như tăng cân tăng cơ, tăng cơ tăng sức mạnh vì cùng nằm ở một khía cạnh của thể chất. Với những người mới tập, việc tăng cơ tăng sức mạnh có nghĩa tăng hypertrophy và power đồng thời là giống nhau nhưng khi đã tập luyện một thời gian dài, việc tách ra các hướng đi chuyên biệt sẽ mang lại thành quả lớn hơn.


Một mục tiêu phù hợp không phải số cân nặng tăng giảm được trên một tháng mà cần đi kèm với nó là các chỉ số về sức khỏe thể chất, sự tiến bộ trong khả năng thực hành tập luyện, dinh dưỡng và quan trọng hơn, nắm bắt hiểu rõ được điều gì tạo ra kết quả và tại sao lại có kết quả như vậy. Bạn cũng nên nhớ rằng, không có bữa trưa nào miễn phí, đạt được phần thưởng luôn đi kèm với nguy cơ và đa phần có những nguy cơ, những rủi ro không được nhắc tới do không biết hoặc cố ý.


Trong nghiệp vụ của PT/Coach, từ mục tiêu ban đầu, thường duy ý chí từ khách hàng, cần được đánh giá qua hồ sơ thể chất để chia ra các mục tiêu cụ thể hơn, với từng phân kì nhỏ hơn để đánh giá độ phù hợp và có kể hoạch phù hợp từ đó mang đến tính khả thi trong mối hợp tác giữa quan hệ khách hàng.


Ví dụ, một người 25 tuổi muốn giảm từ 160kg xuống thân hình có được hay không ? Chắc chắn được. Nhưng để đạt được mục tiêu trên, từ hồ sơ thể chất của mình, anh ta có thể cần phải hoàn thành những mục tiêu sau trước tiên:

- Dành thời gian để tập trung cho mục tiêu tập luyện thay đổi hình thể

- Tăng cường sức mạnh cơ bắp bằng việc tập tạ 3-4 buổi một tuần

- Tăng cường sức khỏe tim mạch bằng việc tập cardio 3h/tuần

- Giảm bớt các bữa ăn không lành mạnh

- Sắp xếp lại thời gian các buổi trị liệu tâm lý

- Điều chỉnh lịch sinh hoạt để có thể ngủ sớm và đủ giấc

- Tạm dừng các buổi tiệc trong ít nhất 6 tuần đầu để tạo ra một kết quả thích nghi ban đầu

- NOFAP để cải thiện tính tập trung và sức khỏe tinh thần

........

Và các bạn có thể thắc mắc tại sao không thấy mục tiêu cân nặng trong ví dụ trên. Nhưng thực tế trong huấn luyện chuyên nghiệp, sẽ không bao giờ có chuyện mục tiêu cụ thể là cân nặng/thời gian. Chúng ta không phải gia súc đem bán để chạy đua theo một con số. Và chúng ta cần hành động để tạo ra kết quả nhất định rồi từ đó điều chỉnh để tối ưu hơn, làm tốt hơn chứ việc huấn luyện không dựa trên những lời hứa mơ hồ.


Với các chương trình huấn luyện thay đổi hình thể thông thường, với mục tiêu nâng cấp sức khỏe, vóc dáng (bodyshaping), không phải dành cho thi đấu thể hình, bạn cần quy đổi mục tiêu ban đầu thành các mục tiêu hành động sau:

- Cải thiện lối sống

- Tập luyện thường xuyên hơn

- Cải thiện chế độ ăn

- Cải thiện áp lực tâm lý và sức khỏe tinh thần


Một ví dụ nữa, rất quan trọng, là để mọi người có thể tập luyện thường xuyên hơn, gắn kết với việc tập luyện hơn, cần có một chương trình được thiết kế chuyên nghiệp, tránh hành xác, tạo sự thú vị về mặt thực hành hoặc học hỏi và do vậy phải có một "sự dễ dàng" nhất định nhưng cũng cần đi kèm hiệu quả cảm nhận được. Các bài tập "làm xiếc" để tạo sự thú vị ban đầu thường thất bại sau đó cũng do điều này. Và hiển nhiên, việc tăng thêm stress cho một người vốn đã bị stress do công việc, cuộc sống là sai lầm lớn.


(*Phần này sẽ được trình bày sâu hơn trong các bài chuyên sâu về thay đổi hình thể trong hệ thống Fitness Base)


Việc định hướng mục tiêu phù hợp cho khách hàng hoặc chính bản thân bạn mang lại sự thành công thật sự cho việc huấn luyện. Chắc hẳn việc không đạt được mục tiêu số cân nặng như ý, ví dụ tăng giảm kg/tuần, thường xuyên xảy ra nhưng thay vì đổ lỗi do chưa tập đủ nhiều hay ăn đủ nhiều hoặc các yếu tố nào đó bên ngoài, bạn cần hiểu rằng, một chương trình huấn luyện phân kỳ bài bản dựa trên hồ sơ thể chất sẽ vốn không chỉ có một mục tiêu vật lý cứng nhắc như trên. Nếu bạn tăng được sức mạnh cơ bắp, sức bền, cải thiện các điểm yếu thể chất và có lối sống lành mạnh hơn, tinh thần sung sức hơn, yếu tố cân nặng có còn mang ý nghĩa quá lớn hay không ?


Trước khi đi vào phần giải thích mẫu hồ sơ thể chất, phân tích cách ứng dụng trong việc thiết kế một chương trình huấn luyện tổng thể bao gồm tập luyện - dinh dưỡng - nghỉ ngơi - lifestyle, cần nói thêm rằng, người ta có thể sao chép chương trình tập luyện bạn đã lên cho khách hàng, cả file hồ sơ thể chất tác giả đã xây dựng lên, nhưng người ta sẽ không thể sao chép được cách vận dụng, thực hành và hướng dẫn điều chỉnh dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của bạn.


*Bonus: Somatotypes có cần thiết trong hồ sơ thể chất ?

Chú thích: Phần này được viết ra để giải thích thêm cho những bạn PT/Coach tham gia vào Fitness Base vẫn còn không hiểu hoặc bị ảnh hưởng bởi những người "ngoan cố" bảo vệ cho "quan niệm" này hoặc các giáo trình đào tạo trước đó. Nếu bạn đã hiểu rõ, có thể bỏ qua.

Bạn muốn đọc thêm?

Đăng ký coachvincent.com để tiếp tục đọc bài đăng dành riêng này.

3.154 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
© Copyright
bottom of page