Sức khỏe và sắc đẹp luôn là nhu cầu bức thiết của chúng ta. Tuy nhiên từ thời kì đầu của Fitness hiện đại, đã luôn có những scandal lợi dụng điều này nhằm mục đích trục lợi. Ăn kiêng theo mốt (FAD Diet), các phương pháp tập luyện theo mốt, các loại TPBS giảm cân chỉ có hiệu quả giả dược, các dụng cụ giảm cân, tan mỡ vui nhộn nhất...có thể nói trong ngành fitness, luôn có sự đối chọi giữa hai khái niệm FAD (theo mốt) vs Facts (sự thật).
Eat Clean cũng là một trào lưu như thế. Bài viết này sẽ làm rõ về một cụm từ vô tình được viết ra từ một bài viết trên một trang blog làm đẹp sức khỏe và đã được thế giới fitness chộp lấy và đẩy lên thành một trào lưu, khái niệm vô cùng "hot hit". Vậy Eat Clean có phải sự thật hay chỉ theo mốt ?
1. Nguyên lý, Khái niệm không rõ ràng:
Bất kì một loại hình ăn kiêng hay mô hình bữa ăn nào, dù chỉ theo mốt, cũng đều dựa trên một nguyên lý có cơ sở về mặt khoa học. Với Keto Diet, đó là việc hạn chế ăn carbohydrate và tăng cường ăn các chất béo có lợi (healthy fat) để có thể đẩy mạnh quá trình ketosis, quá trình chuyển hóa chất béo thành ketone, một dạng nguyên liệu cơ thể có thể sử dụng.
Tất nhiên sự thực không đơn giản như thế nhưng ít ra, chắc chắn, tất cả các loại hình ăn kiêng hay phương pháp dinh dưỡng nào đó đều dựa trên một lý thuyết, nguyên lý có cơ sở khoa học đáng tin như vậy. (Xem thêm 5 hiểu lầm về Keto Diet).
Eat Clean thì không. Hoàn toàn không hề có một nguyên lý về dinh dưỡng nào cho Eat Clean. Vì đơn giản, không thể định nghĩa được như thế nào là Eat Clean.
Theo những hot girl, chuyên gia sức khỏe, huấn luyện viên dinh dưỡng online, quảng bá chế độ ăn Eat Clean, bạn cần ăn thực phẩm tự nhiên nguyên vẹn nhất và tránh các loại thức ăn tiện lợi hay các sản phẩm chế biến công nghiệp.
Vậy có nghĩa chúng ta phải bỏ đi các loại sữa đóng chai, sữa đậu nành, bánh mì...và tất cả các loại thức ăn có tính chế biến công nghiệp ? Số phận của các loại pho-mai hay sữa chua ngon lành sẽ ra sao ? Và kể cả Kimchi, món ăn từ xứ sở các Oppa mà hàng triệu chị em mê đắm.
2. Định kiến "ngu dốt" về thực phẩm:
Trong dinh dưỡng, không thể có định kiến rằng thức ăn này xấu, thức ăn kia tốt. Những loại thực phẩm lên men (Femented), chế biến (Processed), tăng cường dưỡng chất (Fortified) được sinh ra nhằm mục đích bổ sung thiếu hụt về dinh dưỡng và tiện lợi. Một quả trứng gà được tăng cường Omega-3 hay một loại nấm có chứa thêm nhiều Vitamin D có vai trò cực kì quan trọng với nhiều nhóm người.
Các trẻ em châu Phi hàng năm được nhận hỗ trợ rất nhiều các nhóm thực phẩm tiện lợi, các thực phẩm ăn nhanh từ các tổ chức từ thiện trên thế giới. Những nỗ lực phát triển các loại thức ăn nhân tạo nhằm tiết kiệm thời gian, bảo vệ môi trường trước sự tàn phá của công nghiệp canh tác, nuôi trồng và cả các vấn đề nhân đạo là mục tiêu tối cao của ngành công nghiệp thực phẩm.
Bạn nghĩ nước ép 100% trái cây "Super clean" đúng không ? Theo một nghiên cứu lớn từ trường Đại học Sorbone Paris Cite, trong vòng 5.1 năm trên hơn 101,000 người (trên 18 tuổi) sử dụng 3300 loại thức ăn, nước uống khác nhau cho thấy kết quả: Nước uống có đường và nước ép 100% trái cây có mối liên hệ rất lớn với ung thu. (Nguyên văn: the consumption of 100% fruit juice was significantly associated with the risk of overall cancer). Số ca ung thư tổng thể là 2,193 và số ca ung thư vú là 693. Và ngạc nhiên hơn, khi các thức uống có chất tạo ngọt nhân tạo, vốn được coi là xấu, lại không hề có mối liên hệ nào với ung thư trong nghiên cứu này.
Thật ngu ngốc khi những người quảng bá cho Eat Clean thường đưa đẩy các bạn tới việc sử dụng các loại TPBS nhiều hơn, các bữa ăn chế biến sẵn từ bên thứ ba nhiều hơn. Họ đã quên mất rằng, bản chất "chế biến" có thể quyết định một loại thực phẩm có khỏe mạnh hay là không.
Nếu Eat Clean, chúng ta có được sử dụng các loại gia vị, tương ớt, sốt ướp...và nước chấm hay phải thay thế hoàn toàn bằng muối biển, bột canh và ớt trái...Hay chúng ta có được chiên xào, nướng...hay chỉ được hấp, luộc hoặc trộn gỏi tươi sống ?
3. Cộng đồng ứng dụng thực hành:
Bạn đã thấy được bao nhiêu người thật sự Eat Clean ngoài đời ? Từ Chris Bumstead, Andrei Deiu, Chris Heria, Tristyn Lee, tất cả đều chiên xào, cho thêm các loại gia vị nhân tạo và sử dụng các loại thực phẩm bổ sung. Kể cả một idol có kiến thức dinh dưỡng thuộc tầm mẫu giáo như Jeff Seid cũng biết rằng Eat Clean thật ngu ngốc !
Như Keto Diet, Carnivore Diet...hay rất nhiều các loại Diet khác, đều có những cộng đồng thực hành rất lớn dựa trên sự rõ ràng về nguyên lý, lựa chọn thức ăn, phân bổ dinh dưỡng đa lượng và cách thức và thời gian tiến hành.
Còn Eat Clean thì không, bạn chỉ đơn giản cắt bỏ hết những thứ không "sạch" theo quan niệm của một ngôi sao nổi tiếng. Không có một hướng dẫn mang tính huấn luyện nào cho các fan từ các ngôi sao "Eat Clean". Bạn sẽ chỉ nhận được những tuyên bố chung chung như tăng cường sức khỏe, duy trì vóc dáng. Trong một số trường hợp "ngu ngốc", các KOL có thể quảng bá về tác dụng giảm cân eo thon, cơ bụng 11 của Eat Clean, một điều không bất kì loại ăn kiêng nào làm được nếu bạn không cắt giảm calories.
Rồi thực hành trong bao lâu ? Có cần dừng nghỉ hay nâng cấp lên theo từng giai đoạn hay không ? Kết quả từng giai đoạn ra sao? Thành phần Macro như thế nào ? Eat Clean đều không cho bạn câu trả lời.
Về dinh dưỡng, tất cả nằm ở liều lượng và sự kiểm soát. Bạn thử uống 4-5l nước lọc, một thứ "clean" nhất trên đời, một lúc xem có khỏe hay không ?
Thêm vào đó, các thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn tiện lợi có một lợi thế mà thực phẩm "Clean" tự nhiên không có, đó là "sạch khuẩn, sạch vi sinh vật, sạch bệnh, sạch cả các dư chất, kim loại có hại". Về chất lượng thực phẩm, không phải cứ tự nhiên như các sản phẩm "Thảo dược 3 đời nhà tôi" là tốt. Có không ít các vụ ngộ độc thức ăn từ thực phẩm tự nhiên còn thực chất các vụ ngộ độc từ sanwich làm sẵn hay cả những loại nước ngọt hầu như không xảy ra.
Tất nhiên, rau sạch hay thực phẩm chế biến sạch đều dựa trên các tiêu chuẩn chứng nhận rõ ràng chứ không phải từ kinh nghiệm cá nhân của một ai đó.
Không có bất cứ một nghiên cứu khoa học hay thậm chí một bài viết đáng tin nào từ các bác sĩ về Eat Clean. Thực tế, ngoài các hotgirl online, không có bất cứ chuyên gia dinh dưỡng hay huấn luyện viên thực thụ nào đưa lời khuyên rằng bạn nên Eat Clean. Vì đơn giản, điều đó đi ngược với khoa học và lương tâm nghề nghiệp.
Và thực tế, bao nhiêu người có thể bỏ uống các thứ vui vẻ như bia, cocktail hay trà sữa, cafe pha sẵn, không ăn kem hay uống một ly coke và nhâm nhi bỏng ngô khi xem phim trong cuộc đời ?
4. Sự thiếu hụt, các mối nguy:
Eat Clean, thực tế có thể gây hại.
Thứ nhất, khi tự loại bỏ một nhóm thức ăn, nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng tăng cao. Đây là cảnh báo chung của các chuyên gia dinh dưỡng thực thụ dành cho tất cả các loại hình ăn kiêng theo mốt. Với Eat Clean, khi nhãn dán "Clean" không rõ ràng, bạn sẽ không chỉ loại bỏ một nhóm mà 2/3 các loại thực phẩm của xã hội hiện đại, tình hình còn tệ hơn. Khi loại bỏ các sản phẩm từ sữa, nguy cơ thiếu hụt canxi dẫn tới tình trạng loãng xương.
Tất nhiên bạn có thể bổ sung bằng một đống TPBS được các ngôi sao Eat Clean chào bán.
Thứ hai, khi bị ám ảnh về nguồn gốc thức ăn, tính "Clean" hay không "Clean", bạn sẽ dễ gặp stress và cảm thấy mệt mỏi chán ăn. Nếu tình trạng kéo dài để giảm cân, khi kết hợp với những ám ảnh về ngoại hình, nguy cơ mắc phải các rối loạn ăn uống tăng cao. Việc theo đuổi chế độ ăn được ám thị là hoàn hảo sẽ có thể gây ra các ám ảnh về mặt thần kinh và rối loạn cả về vị giác. Khi đó bạn sẽ sợ hầu hết các đồ ăn, thức uống xung quanh mình.
Orthorexia là hội chứng ám ảnh về thức ăn khi luôn soi sét về tính chất khỏe mạnh của các loại thực phẩm. Hội chứng này tăng dần với các triệu chứng: Bạn ám ảnh về tính chất nhân tạo, chế biến công nghiệp của các loại thực phẩm và tìm cách tránh xa chúng; bạn cảm thấy sợ các loại thực phẩm không do bạn tự tay lựa chọn; bạn dần cảm thấy dị ứng với nhiều loại thực phẩm hơn; số lượng thực phẩm bạn cảm thấy mình có thể ăn giảm dần theo thời gian; bạn cảm thấy "ghê rợn" về mặt vị giác khi nhìn thấy người khác ăn các loại thực phẩm không nằm trong danh sách "lành mạnh" của bạn. Orthorexia thường đi kèm với chứng chán ăn kéo dài hoặc trong nhiều trường hợp, chính chủ sẽ ăn uống vô tội vạ khi không thể chịu được tình trạng này thêm nữa.
Thứ ba, khi tập trung "Eat Clean", bạn không còn thưởng thức bữa ăn như một khoảng thời gian giao lưu với bạn bè, người thân và cả bạn đời của mình nữa. Khi luôn sợ ăn phải thứ không lành mạnh theo tiêu chuẩn dán nhãn của riêng bạn, bạn tự cô lập mình trong đời sống hàng ngày và mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về một bữa ăn. Để tìm ra được một loại thực phẩm "Clean" sẽ vô cùng tốn thời gian và mệt mỏi dù các KOL có giúp bạn bằng cách review một vòng một cửa hàng/siêu thị tiện lợi cao cấp có vẻ "sạch sẽ".
5. Kết luận
Tựu chung lại, Eat Clean chính là một khái niệm ăn uống theo mốt (FAD Diet), cũng có thể coi thuộc nhóm những chương trình giảm cân chuẩn "lừa đảo" khi chỉ có những tuyên bố khoa trương còn thiếu khuyết đi các nguyên lý, bằng chứng khoa học đáng tin cậy.
Việc lựa chọn các loại thức ăn lành mạnh để giữ sức khỏe là một thói quen tốt. Nhưng việc không hiểu rõ và bị dẫn dắt bởi các thông tin sai lệch sẽ tạo ra những nguy cơ về sức khỏe. Bạn nên nhớ rằng, các ngôi sao online chỉ làm nội dung để câu view, câu like. Còn sức khỏe của bạn, chỉ có chính bạn cần quan tâm.
Trong lựa chọn chế độ ăn khỏe mạnh, bạn hãy tìm đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng nhờ vào sự đa dạng trong các nhóm thực phẩm. Thức ăn khỏe mạnh không chỉ đến từ nguồn cung cấp uy tín và việc chế biến mà còn nằm ở việc kiểm soát lượng nạp vào. Một cây kem hay ly trà sữa sẽ chẳng gây hại gì cho bạn trừ khi bạn ăn hàng tá mỗi ngày.
Và một lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia dinh dưỡng thực thụ, bạn có thể thoải mái ăn bất cứ loại thức ăn gì, miễn là chúng có chất lượng đảm bảo và không gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của bạn. Chỉ cần bạn giải phóng nỗi ám ảnh về thức ăn lành mạnh, bạn đã khỏe mạnh hơn rồi !
Commentaires