Justin đang làm giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam được 3 năm và rất yêu thích đất nước và con người nơi đây. Khi John quay trở lại Mỹ, anh rất muốn khoe với bạn bè và người thân mình về những món ăn đường phố ngon lành và cuộc sống cởi mở tại quê hương thứ hai của anh. Nhưng điều khiến bạn bè và người thân của Justin ấn tượng đầu tiên chính là thân hình thon gọn của anh ta sau 3 năm rời xa đất nước cờ hoa. Và câu đầu tiên Justin thường được hỏi là "Wow, trông ngon lành đó, tập dữ lắm ha ?". Thực tế John thường chạy bộ tại bờ kè và tới phòng gym 2-3 ngày 1 tuần khi anh không có những bữa tiệc tối. Và thân hình nặng hơn 90kg của John cũng thon gọn so với hầu hết những người bản xứ. Tuy nhiên nếu so với tiêu chuẩn hiện tại của người Mỹ, John nhìn rất ngon lành !
Đây là câu chuyện điển hình của những người dân thuộc đất nước có nền kinh tế lớn nhất và nền khoa học tiên tiến nhất thế giới. Hiện nay số người béo phì đã vượt 40% dân số tại Mỹ (Link thống kê) cộng thêm hơn 30% số người thừa cân tạo thành tỷ lệ 2/3 người có số cân nặng nhiều hơn mức mà bộ xương của họ có thể gánh vác. Và đây không chỉ là câu chuyện riêng của nước Mỹ khi tại các nước thuộc EU, tỷ lệ thừa cân béo phì cũng đã vượt mốc 50% (Link dữ liệu).
Và thừa cân béo phì tại sao lại trở nên nguy hiểm cho chúng ta ?
Theo con số thống kê từ WHO, năm 2016 có tới 1,9 tỷ người thừa cân trên thế giới, trong đó có 650 triệu người ở mức béo phì. Quan trọng hơn, hàng năm có ít nhất 2,8 triệu người chết vì thừa cân, béo phì. Còn theo một thống kê theo dõi 3,6 triệu người không hút thuốc có chỉ số BMI >30/m2, được thực hiện tại Anh Quốc vào năm 2018, thừa cân béo phì có thể làm giảm 4,2 năm tuổi thọ ở nam giới và 3,5 năm tuổi thọ ở nữ giới. Và nếu nguy cơ chết sớm không khiến bạn cảm thấy đủ nguy hiểm, chắc chẳng có vấn đề gì có thể làm điều đó.
Năm 2021 này, có thể bạn vẫn tập trung nhiều vào sự ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 nhưng thừa cân béo phì vẫn sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành đại dịch lớn nhất của xã hội hiện đại. Vậy tại sao người phương Tây và đặc biệt người Mỹ, đất nước một năm có tới 1,500 đầu sách ăn kiêng và nền công nghiệp thực phẩm chức năng hàng nghìn tỷ đô lại ngày càng thừa cân béo phì ?
Trong bài viết này, dưới góc nhìn của một fitness coach, Vincent sẽ đưa ra những sự thật góp phần không nhỏ tạo nên cơn đại dịch đang hoành hành này tại nước Mỹ.
Standard American Diet - Chế độ ăn uống kiểu Mỹ
Giới chuyên gia về ăn kiêng (Dietitian) và dinh dưỡng (Nutritionist) thường gọi chế độ ăn tiêu chuẩn kiểu Mỹ là một chế độ ăn đáng buồn (Standard American Diet = SAD) khi mở đầu các câu chuyện về nguyên nhân của đại dịch thừa cân béo phì. Quả thật, bữa ăn đáng buồn của người Mỹ cũng đại diện cho bữa ăn của phương Tây (Western Diet) khi thường bao gồm thịt chế biến sẵn, trứng, thực phẩm đóng gói, bơ, sữa có nhiều chất béo, các món chiên, ngũ cốc tinh chế, đồ uống có nhiều ga và đường. Một bữa ăn mất cân bằng dinh dưỡng khi loại bỏ trái cây và rau xanh.
Xét theo dinh dưỡng đa lượng (macronutrient), chế độ ăn tiêu chuẩn kiểu Mỹ thường có 50% tinh bột, 15% chất đạm và 35% chất béo. Mới nghe có vẻ không tệ lắm tuy nhiên bạn cần biết thành phần dinh dưỡng trong 2,200kcal một ngày của người Mỹ, đáng buồn thay, 90% lại đến từ thức ăn anh và nước ngọt. Còn xét về dinh dưỡng vi lượng (micronutrient), bữa ăn của người Mỹ bị khuyết thiếu nhiều loại vitamin và các khoáng chất cần thiết.
Sự mất cân bằng dinh dưỡng không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe mà còn khiến bạn dễ mất kiểm soát ăn uống hơn. Việc hàng ngày, hàng năm và có thể nói hàng thập kỷ ăn đồ ăn nhanh kèm uống nước ngọt, bạn sẽ dễ bị đám snacks và bánh ngọt tràn ngập khắp mọi nơi kéo bạn tới.
2. Lifestyle lười biếng tập luyện
Có thể Youtube và Instagram đã tạo ra ảo tưởng cho bạn rằng dân Mỹ hay các chàng trai trẻ Tây Âu ai cũng đẹp "sáu múi" và có lifestyle năng động. Từ bãi đất trống, garage xe hơi đến các phòng gym bãi biển với thiết bị làm từ gỗ và dây thừng vô cùng sáng tạo. Dường như dân Mỹ có thể tập mọi lúc mọi nơi. Nhưng sự thực lại không phải như vậy. Việc tập luyện thể thao nói chung và tập gym hay các môn fitness nói riêng không hề dễ dàng như thế.
Ở Mỹ, chi phí cho việc mở một phòng gym rất đắt đỏ. Chi phí cho một phòng gym cá nhân vào tầm 10,000 USD còn một phòng gym thương mại cỡ nhỏ có thể lên tới 110,000 USD. Nghe có vẻ cũng không cao lắm phải không. Bạn nên nhớ đây chỉ là chi phí cơ bản cho những mô hình bé nhất. Ở Mỹ, cần một tá giấy tờ chứng nhận kèm theo từ máy móc đến điều kiện mặt bằng. Và tất nhiên, không có giấy tờ nào là miễn phí cả. Thêm nữa mật độ phòng tập trên số dân tại Mỹ rất thưa. Do vậy chuyện bạn phải lái xe vài chục cây số để đi tập là điều bình thường.
Dù cho bạn có điều kiện đến phòng tập gym đi chăng nữa, quan trọng hơn, tập luyện gì bây giờ ? Chi phí PT/Coach tại Mỹ cũng rất cao với mức trung bình 40 - 70 USD một giờ. Với các session dài tầm 90 phút, bạn sẽ phải trả hơn 120 USD một giờ. Nếu bạn trả theo tháng, bạn cũng sẽ phải mất từ 250 đến 400 USD một tháng với chỉ 2h huấn luyện mỗi tuần. Tuy nhiên đây mới là những con số trung bình cho các phòng tập không đi kèm các tiện ích cao cấp. Với các chuỗi gym sang trọng, con số thường tùy thuộc vào độ chịu chi và yêu cầu riêng của bạn. Thêm vào đó, bạn sẽ còn cần thanh toán thêm phí thành viên cho câu lạc bộ.
Tất nhiên tập gym không phải phương pháp duy nhất để có một hình thể ngon lành vì bạn có thể chạy bộ, yoga, street workout, home workout....nhưng nếu bạn là người từng thừa cân, bạn sẽ biết "con quỷ lười" thường rất mạnh mẽ. Nhất là khi xung quanh, bạn bè người thân và "cả tỉnh cả huyện" luôn sẵn sàng tổ chức các bữa tiệc đồ ăn nhanh cho bạn bất cứ lúc nào. Khi xung quanh tràn ngập mùi vị của đồ ăn nhanh từ trên giường cho tới chỗ làm hay trạm dừng chân chờ xe buýt, bạn rất khó có thể từ chối. Nhất là khi văn hóa ăn uống không lành mạnh đã lưu truyền qua rất nhiều thập kỉ tới nay.
Khi lần đầu tiên nghe tới khái niệm "sedentary lifestyle" - lối sống rất ít vận động của rất nhiều người Mỹ, bản thân Vincent cũng thấy sốc. Theo thống kê năm 2020 của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, tỷ lệ thanh niên "sống lười như hủi" này tại các bang của Mỹ chiếm từ 17-40%. Cá biệt có những người chỉ nằm hay ngồi 1 chỗ và hầu như chỉ di chuyển từ chỗ ngồi và nằm tới toilet cho các công việc vệ sinh cá nhân.
3. Cuộc sống căng thẳng
"Giấc mơ Mỹ nhiều khi là ác mộng !". Cuộc sống ở Mỹ rất nhiều áp lực và vô cùng căng thẳng so với bề ngoài tự do và hào nhoáng dưới chân Hollywood. Có thể bạn thường quen với các tin tự sát ở Nhật Bản hay Hàn Quốc được đưa tin nhiều hơn trên báo chí tại Việt Nam nhưng nếu xét trên số liệu, Mỹ mới là nước có số ca tự tử hàng năm cao hơn với khoảng 48,000 ca vào năm 2018 (Số liệu từ NIMH- Viện Sức khỏe tinh thần Quốc gia Hoa kỳ). Trong xếp hạng theo khu vực của WHO, tỷ lệ tự tử trên 100,000 người ở các nước châu Âu đang xếp cao nhất với 12.8 so với các nước Đông Nam Á là 10.1 và Mỹ là 9.6. Bạn nên nhớ rằng Mỹ chỉ là 1 nước khi so với các khu vực ở trên.
Khi bạn căng thẳng, bạn dễ sa ngã vào đống đồ ăn thơm ngon hơn. Stress khiến lượng cortisol tăng cao và bạn sẽ rơi vào tình trạng (flight/fight mode) với cơn thèm đường (sugar craving) mất kiểm soát. Nếu stress kéo dài, thậm chí bạn có thể luôn ở trong tình trạng sống còn (survival mode) và luôn phát hoảng lên để tìm kiếm đồ ăn một cách nhanh nhất có thể. Và còn loại thực phẩm nào bạn nhanh chong có được hơn đồ ăn nhanh và nước ngọt ?
Ở một khía cạnh khác, theo một điều tra của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kì (CDC) năm 2016, 48,5 phần trăm người Mỹ đã sử dụng ít nhất một loại thuốc theo toa trong 30 ngày khi cuộc điều tra diễn ra và 21,7 phần trăm đã sử dụng ba loại thuốc theo toa trở lên. Trong đó loại thuốc thường được kê đơn là thuốc chống trầm cảm. Và nhược điểm của thuốc chống trầm cảm là nó có thể khiến bạn uể oải hơn sau khi hết tác dụng và cũng khiến cơ thể bạn có sức chống cự "yếu ớt" hơn trước combo một hộp bỏng ngô kèm chai nước ngọt hấp dẫn cùng với một series dài kì trên TV. Cũng như việc xem các ngôi sao siêu anh hùng hay các người mẫu Victoria's Secret đẹp như tượng có thể sẽ khiến bạn càng stress và thất vọng hơn về bản thân dẫn tới bạn càng dễ thừa cân hơn, hầu hết các tình trạng cần dùng thuốc theo toa phổ biến nhất này có thể liên quan đến lối sống không lành mạnh và chế độ ăn uống nghèo nàn. Sự thật nhiều khi thật hài hước như vậy.
Kết luận: Một chế độ ăn uống thiếu cân bằng, nhiều đồ ăn nhanh kết hợp với một lối sống lười biếng và cuộc sống căng thẳng đã góp phần làm nên cơn đại dịch thừa cân béo phì tại nước Mỹ và thế giới phương Tây. Không chỉ dừng lại ở đó, trong thập kỷ này, nó đang lan dần và mạnh mẽ sang các nước thuộc nhóm đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi và khu vực Đông Nam Á cũng không ngoại lệ. Ở Việt Nam, theo số liệu điều tra từ Bloomberg năm 2014, tỷ lệ người béo phì nằm ở mức 3,6% tổng dân số. Nếu so với các nước như Malaysia (13,3%) hay Indonesia (5,7%) con số này có vẻ không cao lắm tuy nhiên theo điều tra, Việt Nam lại là nước có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất tính tới năm 2014 với 38%.
Và cũng như nhiều chuyên gia đã lên tiếng, việc đổ lỗi cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống hay các kế hoạch ngầm khiến toàn cầu béo phì của các tập đoàn thực phẩm chức năng theo thuyết âm mưu sẽ không giúp ích được gì. Một chuyên gia bán sách ăn kiêng chạy nhất trên thế giới cũng không giúp bạn chạy khỏi quầy bánh ngọt hay nhấc mông lên và đi tới phòng tập. Ý thức về sức khỏe và việc kiểm soát bản thân mới là điều quan trọng. Động lực có thể tìm thấy ở bất cứ đâu nếu bạn quan tâm đến sức khỏe và muốn tận hưởng cuộc sống tốt hơn (Còn thứ gì quan trọng hơn thế ?!). Khi bạn có một sự kiểm soát tốt với lượng thức ăn nạp vào, hướng tới chất lượng và dinh dưỡng cân bằng, duy trì lối sống năng động và tìm ra cách tận hưởng cuộc sống tốt hơn, bạn sẽ không còn phải lo lắng gì nhiều về một bữa tiệc hơi nhiều khoai tây chiên hay thậm chí một tuần hơi buông thả của mình.
Điều cuối cùng, không gì quan trọng hơn sức khỏe và cuộc sống của bạn, hãy biết quý trọng những điều ấy !