Bài liên quan: Ám ảnh ăn uống (Orthorexia) & Chán Ăn tâm thần (Anorexia)
Tháng 5 năm 2020, thế giới thể hình chấn động khi Luke Sandoe, một ngôi sao thể hình đang lên, một người chồng mẫu mực, một người cha của 2 đứa con ra đi ở độ tuổi 30. Nguyên nhân phổ biến nhất cho cái chết của anh được tiết lộ là tự tử. Vậy điều gì đã khiến một người đàn ông đồ sộ với bộ cơ bắp nặng 115kg, một vận động viên thuộc Top Mr.Olympia đang dần chinh phục đỉnh cao phải tự kết liễu đời mình ?
Khi đứng trước tấm gương, bạn có bao giờ cảm thấy mình cần có cơ bắp to lớn hơn nữa ? Bạn luôn cảm thấy mình không thể rời bỏ phòng gym dù chỉ một ngày ? Hoặc bạn luôn không dám bỏ bữa hay cố gắng nhồi nhét lượng chất đạm hàng ngày vì sợ bị mất cơ ? Bạn thường mặc áo che đi cơ thể khi tập luyện vì nghĩ mình không đủ to ? Bạn luôn nghĩ cơ bắp to lớn hay các thành tích đẩy tạ mới tạo ra ấn tượng tốt và mang lại niềm tự hào ?
Chào mừng bạn đến với Bigorexia - Hội chứng ám ảnh ngoại hình đang ngày trở lên nghiêm trọng trong thế giới của những người "nghiền tạ". Nếu bạn không muốn mất cơ khi nghỉ tập, hãy xem thêm video bên dưới:
Bigorexia hay còn gọi Muscle Dysmorphia, là một nhánh trong nhóm những hội chứng hoặc rối loạn tâm thần liên quan đến ám ảnh ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder (BDD) hoặc Dysmorphophobia) trong đó người mắc phải luôn có niềm tin bị phóng đại hoặc ảo tưởng rằng anh ta hoặc cô ta có một hình thể quá nhỏ bé, chưa đủ cơ bắp, chưa đủ săn chắc mặc dù bản thân họ thường có hình thể cơ bắp to lớn hoặc trên mức bình thường. Bigorexia còn có một biến thể nghiêm trọng hơn là Megarexia khi những người mắc phải luôn không hài lòng với kích thước của bản thân và tìm cách để mình trở nên to lớn hơn, đồ sộ hơn.
Hội chứng ám ảnh này đã được phát hiện từ thời buổi sơ khai của thế giới thể hình và thể thao nói chung. Ngay cả bản thân huyền thoại Arnold Schwarzenegger cũng từng thừa nhận mình gặp phải chứng này khi ông còn thi đấu tại Mr.Olympia. Tuy nhiên với thế giới hiện đại, bigorexia không chỉ gây ảnh hưởng tới những người đàn ông cơ bắp mà còn lan rộng sang thế giới thể thao, nữ giới và tất cả giới biểu diễn hình thể.
Trái ngược với hội chứng chán ăn vốn gây ám ảnh thế giới người mẫu thời trang một giai đoạn, Bigorexia khó phát hiện hơn vì đa phần những người mắc phải lại thường có ngoại hình vô cùng khỏe mạnh, thậm chí đạt được thành công vật chất nhờ hình thể của mình. Tuy nhiên những nỗi đau hay trầm cảm của Bigorexia thường tích lũy âm ỉ qua nhiều năm. và kết cục khi phát tác thường tai hại hơn những gì người ta có thể lường trước.
Theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Đại học Oxford của tác giả Katharine A Phillips, tỷ lệ có hành vi tự sát của những người mắc bigorexia cao hơn những hội chứng rối loạn về hình thể khác. Và các nhà nghiên cứu y tế cũng như xã hội hoàn toàn có cơ sở kết luận rằng tác động của Bigorexia ngày càng tăng cao trong xã hội hiện nay khi văn hóa đại chúng đang quá tập trung vào việc đề cao những hình mẫu cơ bắp của cả nam và nữ.
Những triệu chứng của Bigorexia có thể kể tới như việc ăn kiêng quá mức, tập luyện không ngừng nghỉ, cố gắng đẩy cao thành tích trong phòng gym hay việc lạm dụng các chất kích thích để tăng cường kích thước và sức mạnh cơ bắp. Những người gặp phải hội chứng này thường cảm thấy khó chịu khi không được đi tập gym và khi được đi tập, họ dùng từ 2-3 tiếng đồng hồ trong phòng gym để cố gắng làm cơ thể đau và kiệt quệ hết sức có thể.
Còn trong cuộc sống hàng ngày, những người này thường bị rối loạn ăn uống khi luôn tìm mọi cách để nạp nhiều chất đạm nhất vào cơ thể từ thức ăn hoặc supplement. Những người này có xu hướng ăn uống theo lịch 5-6 bữa ăn một ngày hoặc ăn uống theo những thần tượng thể hình của họ. Khi lựa chọn thức ăn, họ cũng có cái nhìn rất ác cảm và tiêu cực với đa phần các loại thức ăn khác không chứa đạm và luôn cảm thấy các thức ăn có thể gây hại cho cơ bắp hay việc tập luyện của họ.
Việc dùng hàng tá loại supplement khác nhau và luôn truy tìm những loại chất bổ sung tăng cường cơ bắp tốt hơn cũng là một biểu hiện của Bigorexia và thường dẫn tới việc lạm dụng các chất kích thích. Và tất nhiên hệ quả lớn nhất của Bigorexia chính là làn sóng sử dụng steroids hay các chất kích thích tăng trưởng cơ bắp đang ngày càng dâng cao toàn cầu.
Trong thế giới thể hình, câu hỏi luôn được đặt ra là, tại sao biết các chất đó rất có hại và có thể gây chết người nhưng người ta vẫn lạm dụng ? Rich Piana đã từng nói nhiều về việc này và chính anh ta cũng đi đến cái chết với nguyên nhân lạm dụng steroids dù Rich đã nghỉ thi đấu rất nhiều năm. Như King Kamali, một cựu vận động viên Mr.Olympia khá nổi tiếng chia sẻ trong cuốn phim tài liệu Natty4Life mới đây: Mọi người tham gia vào các bộ môn thể thao đều dùng steroids ! Nhưng sự thực còn khủng khiếp hơn thế vì ngoài đời, nhiều chàng trai hay cô gái trẻ (dù nữ giới ít bị Bigorexia hơn) vẫn đang tìm kiếm những giải pháp đường tắt để tăng trưởng cơ bắp của mình.
Về mặt tâm lý, những người bị mắc Bigorexia thường gặp phải những rối loạn tâm trạng, lo lắng hay bồn chồn về việc tập luyện và luôn ám ảnh về tập gym.
Vậy ngăn ngừa hoặc điều trị Bigorexia như thế nào ?
Ở khía cạnh điều trị Bigorexia, hiện chưa có một phương pháp hay phác đồ điều trị được công nhận chính thức. Đây là một rối loạn tâm lý mà đa phần những người mắc phải đều có "cái tôi" được thể hiện ra ngoài rất mạnh mẽ và cứng rắn. Và khi những cái đầu bướng bỉnh từ những thân xác đồ sộ không chịu thừa nhận sự yếu đuối bên trong, ai sẽ giúp họ được ? Chẳng ai có thể giúp ngăn lại làn sóng sử dụng steroids khi The Rock và những ngôi sao Hollywood khác đang trở thành hình mẫu thần tượng của lớp trẻ ngày nay.
Với những chuyên gia huấn luyện sức khỏe, phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa Bigorexia hiện nay chính là nâng cao nhận thức về fitness và giá trị đích thực của tập luyện cơ bắp. Dù khá khó khăn nhưng việc giúp mọi người nhận ra những "khuôn mẫu hình thể" vốn không đại diện cho vẻ đẹp thật sự hay sự hoàn hảo sẽ giúp ích cho những người tập luyện cơ bắp nhận ra điều này.
Ở khía cạnh cuộc sống hàng ngày, việc tăng cường các trải nghiệm cuộc sống thực tế cần được chú trọng. Áp lực cuộc sống và căng thẳng từ mạng xã hội cũng nên được điều hòa bằng các mối quan hệ lành mạnh và tương tác thật ngoài đời. Việc tham gia tiệc tùng, tận hưởng cuộc sống hay đi du lịch để trải nghiệm ẩm thực và văn hóa luôn là biện pháp hữu hiệu nhất cho Bigorexia.
Cám ơn anh.